Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Nhịp sống

1. Nó sống trong cảnh vương giả nhưng lúc nào cũng cứ rầu rầu. Nó lặng sống, ưỡn bộ ngực lép ra mà chịu đựng những trận bão đời, nó rã rời. Ồ, tóc nó có dần vài sợi chớm bạc khi mà tuổi chỉ san sát hàng băm. Chao ôi! Những đêm nó không ngủ lo miết bên đống hồ sơ, giấy tờ liên doanh, tìm phương thức sáng tạo chất lượng hơn cho công ty. Nó là phó giám đốc Công ty Liên doanh Dầu gội tóc VX. Những lúc như vậy, nó thường thèm nghe tiếng gió bên lũy tre làng, thường thèm nhìn lại cánh diều giấy mà một thuở nó cùng lũ bạn cắt cắt dán dán rồi thả tít lên trời đong nặng ước mơ, để rồi vụt tắt.Nó có 10 năm thơ khá đẹp tuy có lam lũ, 10 năm học và chơi, rồi lại gần 10 năm cống hiến và gian truân. Bạn bè mến nó nhưng không thích chơi và ở thân lâu với nó bởi nó nhạt lắm, vả cũng hay ngớ ngẩn. Nó có bao giờ vui cùng chúng bạn hò hét khi trái bóng lăn nhanh trên sân cỏ, thi thoảng chạy bộ vài vòng sân cho ran người, lại thôi. Nó thích sống trong thế giới sách, rỗi rãi là dành cho niềm đam mê đọc để học. Nên chi bạn bè đặt thêm cho nó cái tên là Cường “cận” (nó đeo kính nặng hơn bốn độ).

Nó là con dân cày thứ thiệt. Ba đời, từ nội tổ đến cha nó chưa có người nào đủ sức biết đọc đến nửa chữ. Còn bên ngoại cũng có khác chi. Khác chăng là mẹ nó, một đàn bà cáng đáng, yêu chồng, thương con hết mực, bà thuộc Truyện Kiều không sót một chữ, cũng như hàng trăm câu ca dao, khúc dân ca Việt Nam, mà lạ chưa, bà không đến trường một ngày nhưng lại có trí nhớ thiệt tài, nghe qua một lần là nhớ nằm lòng không chạy đâu được. Những khúc ru của mẹ lúc ấu thời đã gieo vào tâm hồn nó một khoảng trời xanh, những chấm xanh cánh đồng.

Năm 42 tuổi, mẹ sanh nó trong cơn đau bụng oằn oại, đôi mắt kia ép lại cho giọt nước mắt cuối ngày khẽ rỉ trong niềm hy vọng. Tiếng khóc chào đời của nó cất lên cũng là lúc mẹ nó kịp ngất lịm đi. Nó ốm yếu hơn lũ bạn cùng xóm, bệnh tật ngay thăm viếng nó, trầy trật thế mà cũng qua cả. Nó ít nói, chỉ lặng lẽ làm việc và sống trong mặc định.

2.Nó dần chán ngấy cảnh sáo ngữ, nghiêng mình, đón lời làm vui cấp lãnh đạo. Ngày theo ngày gấp rút trong thời đại công nghiệp, con người chỉ nhìn nhau bằng công việc, ép xác vào bốn bức tường thanh vắng để rò rỉ khối việc của công ty. Nó trông những gương mặt của người dân thành thị nơi đây sao sảm sì, chan chát chỉ có lòng ganh và mắt hờn để tìm cách huých nhau một cái cho ngã nhào lại có kẻ cười, người mếu. Nó thường đến cơ quan làm việc với bộ đồ tuềnh toàng, đôi dép xoàng. Chiếc cà vạt và đôi giày bóng nhoáng mũi nhọn là những thứ xa xỉ trong mỹ nhãn của nó.

Ông Khấm, thủ trưởng cơ quan, thường hay chú ý và hễ có thời cơ là thẳng lòng góp ý một cách hỉ hả về cung cách ăn mặc của nó, nó khẽ cười rồi thôi. Ông Khấm trạc ngũ tuần, người béo trùng trục, đen ngăm. Ông làm việc quan cách và còn cổ hủ lắm. Ông Khấm nghĩ nó chống, muốn làm việc theo ý riêng, chắc có ngày nó cưa ngã ghế mình mất. Đã nhiều lần sếp Khấm định khử người thủ phó đảm nhận, thạo việc nhưng còn e sợ bởi nó là cánh tay đắc lực của ông và là bộ óc bách khoa của công ty được thu nhỏ lại. Ngặt quá. Cường không tự kiêu, chỉ thấy thêm buồn. Ông Khấm có bao giờ chịu quyết định cho cấp dưới của mình học nâng cao tay nghề vì ông sợ rồi ra họ sẽ hơn ông. Thế là có hàng khối kẻ chực chờ trong tâm thế tới tháng ký tiền lãnh lương, vậy mà rỗi việc lại thích đâm bị thóc thọc bị gạo cho cơ quan lâu lâu có dịp xào xáo chơi, bè phái bè cánh thì cũng giống như thầy cô giáo chia lớp học ra thành nhiều tổ để dễ quản lý, dễ ngồi học đấy mà…

Trong cơ quan, người được ông Khấm nuông và nể nang nhất đó là cô Thùy Dương. Không nể nang sao được bởi cái dung nhan mơn mởn tuổi 25 của cô thư ký riêng giải tỏa stress cho ông sếp rất nhiều lần trong ngày. Được nước, Thùy Dương càng ngày càng lãng công việc của công ty. Có lần cô nói với ông Khấm: “Thủng thẳng rồi làm anh hé. Lo gì, đã có ông Cường đảm nhiệm là êm ru rồi”. Ông Khấm bù khú bên cô thư ký riêng một cách thơ ngây, mặc sức cho nàng vòi vĩnh nay áo này, mai quần nọ, mốt phấn son,… đôi lúc quên luôn cái tuổi 50 sồng sộc bước tới của chính mình. Cường biết cả nhưng mặc vì nói thì cũng có khác gì lấy tay đấm vào vách núi ngàn năm trơ rêu bám. Cường lặng lẽ sống và làm việc. Công ty nó vẫn đấu bươn chải cùng sở thích ngày một cao của quý ngài “thượng đế”, hòa nhập kịp lúc cùng trào lưu thị trường thì hết 84% là sức trí óc và giao dịch của “thủ phó” Cường, phần còn lại thì của tập thể và không thể không nhắc đến cái cần lao và bộ óc vinh diệu của công ty là sếp Khấm. Cái đẹp hóa chất, cái đẹp giả cầy kia đã bao lần thao thức nó. Hồi nhỏ nó thường thấy mẹ gội đầu bằng trái bồ kết được đun từ nước sông quê, vậy mà thơm đến vương vấn lòng. Có những đêm trăng sáng, nó cùng chúng bạn rủ nhau bẻ tàu cau làm xe kéo chơi, vui lắm. Và sau đó là một giấc ngủ tròn say khi đã nghe no những khúc ru ngọt của mẹ nó. Chao ôi là hạnh phúc! chấp chới mà trước mắt, thoắt đó lại tít tận đẩu tận đâu rồi.

Nó sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã đi qua, song bóng tre làng rủ xuống đời nó cái cảm nhận của đói - no - được - mất là tư cách sống của con người và đạo làm người. Nhà nó buổi đó thường phải ăn củ sen trộn với khoai lang thay cơm năm nó 10 tuổi. Quê nó còn nghèo lắm. Ấp Sa Bâu khi đó có dăm chục cái nóc nhà vấn vít lấy nhau, có hề chi việc cài chốt cửa. Họ cùng vượt cạn, cùng lam lũ trên cánh đồng trơ gió. Từng đêm nhớ mà thương cho cảnh xưa. Nó ước ao làm cái gì đó cho ấp Sa Bâu, xóm Mũi Chỉ kha khá hơn. Nó mơ rồi đây quê nó cũng sẽ giàu lên bởi sự cần cù của chòm xóm, ừ! Rồi sẽ phất lên như quê bạn bên mé tỉnh lỵ. Chao ôi là đời!

3.Ông Khấm dạo này ít giao việc lớn cho nó. Ông hoạnh tài với nó. Tuần rồi ông đi học tập kinh nghiệm với công ty bên Singapore. Chiều nay lại có cuộc họp toàn cơ quan. Ông Khấm triển khai cái mới, cái hay của nước bạn. Sếp huyên thuyên nói. Công viên chức liên tiếp ghi ghi chép chép đầy cả trang sổ họp trả nghe và ghi chi tiết lắm. Dù rằng không ít người chẳng hiểu một chút tị gì về máy móc, chế tác sản phẩm thì những cái đầu kia vẫn gật gù tán thán. Nó im lặng, lắng tai còn mắt thì để về nơi xa lắm. Bởi những điều ông Khấm nói nó đã từng hành rồi, hiệu quả hẳn hoi. Có điều Cường đang tìm cách chế tác tinh xảo hơn, không thô để mặt hàng còn kịp chạy tuốt khỏi biên thuỳ thân thương mình. Hồi lâu, ông Khấm hỏi ý kiến Cường:

- Mời anh Cường cho vài quan điểm đóng góp trong buổi hội thảo toàn công ty hôm nay.

Cả hội trường vỗ tay rôm rốp như là một nếp sành điệu. Sau tràng vỗ tay là tiếng va của ly muỗng, ống hút rồn rột rổn rảng cho việc giải khát tiếp sức, vì nãy giờ nín lòng lắng nghe những điều thơm thảo của thủ trưởng. Cường trông thấy cũng nực cười trong bụng, anh đứng dậy và nói:

- Kính thưa anh Lâm Văn Khấm, thủ trưởng cơ quan cùng toàn thể anh chị em công nhân viên trong công ty. Qua những vấn đề vừa nêu trên của anh Khấm, một lần nữa chúng ta nên trông coi vấn đề sâu sắc hơn về cách làm việc của chúng ta trong thời kì qua. Rút kinh nghiệm để có bài học mới làm sao cho công ty mình mạnh hơn, giàu hơn. Điều sau rốt tôi cũng xin nhấn mạnh thêm rằng hành động cụ thể qua việc làm sẽ hay hơn nhiều kiểu diễn thuyết tuyên truyền dông dài cục bộ lặp đi lặp lại một mô típ cũ mèm.

Nói xong, Cường rút từ trong cặp da đã sờn mép xấp hồ sơ trình đề án và thiết kế mẫu sản phẩm mới cho công ty mà đã lâu chưa có dịp được trình, đưa cho ông Khấm. Đoạn, Cường nói: “Nếu không còn vấn đề gì, tôi xin phép cáo lỗi đành về trước vì có việc gấp phải làm”.

Ông Khấm nghe mấy lời nói đầu của Cường thấy xuôi tai nhưng đoạn sau đã làm ông sựng người, mặt lầm lầm, toan bẻ lời, tìm cú gì đó cha cậu sếp phó này thì cô thư ký riêng đã kịp ấn tay ông ngồi xuống hãm lời. Mọi người trong cơ quan im lặng, khoảng lặng rợn ngợp rồi sau đó có tiếng xì xầm và xé cái không gian và những tiếng hỗn độn ấy là tiếng của Sơn - Trưởng phòng Tạo mẫu - nói: “Đâu, chúng ta thử xem anh Cường đưa đề án mới nào cho công ty mình. Xem và đàm luận vấn đề coi sao?!”. Tiếng lao xao nhấm nhẳng và thi thoảng có một tiếng ồ lên sửng sốt xuýt xoa, có những tiếng tặc lưỡi màng màng. Và có cả tiếng thở dài thườn thượt của ai đó.

4.Chiều nay mưa. Phượng đã cháy đỏ thành từng chùm, từng chùm. Đường phố như mát thoáng lại sau vài trận mưa cuối xuân bất thường. Phố như thêm thênh thang hơn. Lổng chổng dáng người đổ dài dưới mưa hấp tấp đi về. Cường từ nhà nhìn qua vuông cửa sổ và thầm nghĩ không biết có nên nhận lời cộng tác kinh tế với Đoàn (bạn học cũ thời sinh viên ĐH Kinh tế), bỏ ông Khấm hoặc làm hòa với ông Khấm nhưng vẫn tiếp sức với Đoàn hoặc là tách mình khỏi các nhóm đó mà thành lập một công ty riêng. Chiều mưa vẫn rơi.

Cường lại thư giãn cùng nhịp mưa bằng cách đọc nốt vở kịch Hăm-lét của Sếchxpia. Rồi theo dòng mưa nó thiếp giấc tự lúc nào không rõ. Có cánh chuồn ớt lạch xạch đậu bên bậu cửa chờ mưa ngớt hạt sẽ lại bay tiếp chặng đường của ngày.

Truyện ngắn củaTRẦN HUY MINH PHƯƠNG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét